[Tìm Hiểu] 10 bước quy trình in logo lên cốc sứ Bát Tràng
Bạn có bao giờ thắc mắc những nghệ nhân làng gốm Bát Tràng ở Gia Lâm, Hà Nội đã kỳ công như thế nào để tạo ra những bộ cốc sứ in logo với chất men đặc biệt nhất. Liệu có những kỹ thuật in nào, để khiến những bộ cốc sứ của Bát Tràng dần trở thành sản phẩm được nhiều doanh nghiệp sử dụng cho mục đích quảng bá thương hiệu. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu quy trình và kỹ thuật in logo lên cốc sứ mà chỉ có riêng ở người dân Bát Tràng.
[Quy trình tạo hình và tráng men] – Bước 1 đến bước 5
Bước 1: Xử lý, pha chế đất sét
Trong đất sét sử dụng để làm cốc sứ in logo thường có lẫn tạp chất, nhưng vẫn có những cách pha chế đất khác nhau tùy vào từng loại gốm để tạo ra cốc sứ phù hợp theo yêu cầu của khách hàng. Những nghệ nhân ở Bát Tràng truyền nghề nhau phương pháp xử lý đất thông qua ngâm nước trong hệ thống bể chứa, gồm 4 bể ở độ cao khác nhau.
- Bể thứ nhất ở vị trí cao nhất còn được gọi là “bể đánh” dùng để ngâm đất sét thô vào nước trong khoảng thời gian 3 – 4 tháng.
- Sau 3 – 4 tháng chờ đợi thì người thợ tháo hỗn hợp lỏng này xuống bể thứ hai gọi là “bể lắng” hay “bể lọc”. Lúc này đất sét bắt đầu lắng xuống, một số tạp chất nổi lên và người ta tiến hành loại bỏ chúng.
- Tiếp theo múc hồ loãng từ bể lắng sang bể thứ ba gọi là “bể phơi”, người Bát Tràng thường phơi đất ở đây khoảng 3 ngày.
- Cuối cùng chuyển đất sang bể thứ tư là “bể ủ”. Các tạp chất khác bị khử bằng phương pháp lên men nên thời gian ủ càng lâu càng tốt.
Bước 2: Tạo dáng
Bắt đầu từ đôi bàn tay khéo léo, người làng bát tràng sử dụng phương pháp tạo dáng cổ truyền cho cốc sứ trên bàn xoay với lối “vuốt tay, be chạch” trên bàn xoay, công việc này thường do người phụ nữ đảm nhiệm.
Nhưng trước khi tạo hình, thợ làm gốm phài vò đất thật nhuyễn, cuốn thành thoi rồi ném để thu ngắn lại. Công đoạn này tỉ mỉ ở chỗ người ta sẽ vỗ cho đất dính chặt rồi tiếp tục nén và kéo cho đất nhuyễn dẻo bằng hai ngón tay bên phải. Khi người thợ nhận thấy quá trình kéo đất bằng tay và bằng sành đã đủ, họ sẽ định hình sản phẩm bằng cách ngồi trên một cái ghế cao hơn mặt bàn rồi dùng chân quay bàn xoay và tay vuốt đất tạo dáng sản phẩm.
Bước 3: Phơi sấy và sửa hàng mộc
Sản phẩm sau khi được định hình xong sẽ được gọi “Hàng mộc”
Người thợ sẽ tiến hành phơi sản phẩm sao cho khô, không bị nứt nẻ, không làm thay đổi hình dáng của sản phẩm. Phương pháp tối ưu mà xưa nay người Bát Tràng vẫn thường sử dụng là hong khô hiện vật trên giá rồi để nơi thoáng mát. Khác với ngày xưa, hầu hết các gia đình Bát Tràng sử dụng biện pháp sấy hàng mộc trong lò sấy, từ từ tăng nhiệt độ để cho nước bốc hơi dần dần.
Bước 4: Chế tạo men
Có một bí quyết chế tạo men mà các thợ gốm Bát Tràng thường xuyên sử dụng đó là phương pháp cho nguyên liệu đã nghiền lọc kĩ trộn đều với nhau rồi khấy nhiều lần để tan trong nước. Đợi một lúc đến khi lắng xuống thì bỏ phần nước trong ở trên và bã ở dưới đáy mà chỉ lấy phần lơ lửng ở giữa, đây chính là lớp men bóng để phủ bên ngoài đồ vật.
Bước 5: Tráng men
Trước khi đem đi tráng men, sản phẩm phải được làm sạch bằng chổi lông. Khi sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh, người thợ gốm trực tiếp tráng men lên trên rồi mới nung. Họ thường chọn phương pháp tráng men trực tiếp lên trên sản phẩm mộc hoàn chỉnh.
Có 4 hình thức tráng men phổ biến nhất:
- Phun men, dội men lên bề mặt cốt gốm cỡ lớn
- Láng men ngoài sản phẩm
- Quay men (cùng một lúc tráng men bên trong và bên ngoài sản phẩm)
- Đúc men (chỉ tráng men trong lòng sản phẩm)
Đây là những thủ pháp đã bị thất truyền từ lâu được thợ gốm Bát Tràng nghiên cứu, phát triển lại. Có thể coi bí quyết này vừa là kĩ thuật vừa là nghệ thuật, được bảo tồn qua nhiều thế hệ.
[Quy trình in nung sản phẩm gốm sứ Bát Tràng] – Bước 6 đến bước 10
Bước 6: Thiết kế, ra phim và chụp bản
Đây là một trong những bước vô cùng quan trọng, nó quyết định rất nhiều tới chất lượng in của sản phẩm. Bước đầu tiên là sử dụng loại khung chuyên dụng và keo chụp bản phải phù hợp với mực chuyên dụng in trên gốm sứ. Điều bắt buộc ở bước này là phải kiểm tra loại mức với các tiêu chí như chất lượng có mượt mà không, màu sắc có trung thực không, và khi in thì phải sắc nét, không gây ra nứt trên bề mặt.
Bước 7: In hình trên giấy gió
Giấy gió là loại giấy chuyên dụng được dùng để in sản phẩm, loại giấy này mỏng, không dư lại và đốt sẽ bị cháy hoàn toàn. Sử dụng giấy gió để in hình sẽ giúp đạt chuẩn về màu sắc, hình in không để lại vết tạo viền .
Mực được sử dụng để in phải có khả năng chịu nhiệt cao, lên đến 1280 độ C, màu mực in phải đa dạng, đem đến cho sản phẩm gốm sứ màu sắc đa dạng, tinh tế.
Bước 8: Gián giấy gió đã in lên sản phẩm
Công đoạn này đỏi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, tỉ mỉ nhưng phải chính xác, chậm rãi nhưng phải tinh tế. Giấy gió sau khi được in hình sẽ được quét một lớp nước rồi dán lên sản phẩm. Ngay sau khi dán lên, người thợ có thể nhẹ nhàng dịch chuyển để hình in vào đúng vị trí, cũng có thể vẽ thêm màu khác lên trên gốm sứ.
Bước 9: Nung sản phẩm
Nung sản phẩm là công đoạn cuối cùng trong quy trình sản xuất cốc sứ bát tràng. Ở công đoạn này, người thợ đem sản phẩm đi nung sau khi sản phẩm đã tráng thêm một lớp men.
Thợ Bát Tràng sẽ canh đủ thời gian và nhiệt độ nung để chiếc cốc sứ đạt chuẩn yêu cầu về chảy men và màu sắc.
Bước 10: Để nguội và lấy sản phẩm
Khi gần hoàn thành quá trình nung, người thợ Bát Tràng sẽ giảm nhiệt độ lò từ từ chứ không giảm đột ngột để tránh gốm bị nứt vỡ và đợi đến khi nguội hẳn sẽ lấy sản phẩm ra. Quy trình này tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và tính kỹ thuật cao. Bởi đây cũng là kỹ thuật in yêu cầu nhiều công đoạn phức tạp nên người thợ sẽ chỉ in nung với những đơn hàng có số lượng lớn để hạn chế lãng phí công sức và thời gian.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!